Cùng đi có ông Nguyễn Lộc Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Nguyễn Trường Nhật Phượng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một.
Gốm sứ, sơn mài Bình Dương vươn tầm thế giới
Lãnh đạo tỉnh đã đi thăm và nắm tình hình hoạt động của một số doanh nghiệp, đơn vị sản xuất các sản phẩm truyền thống trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long I (TP.Thuận An); làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một).
Giới thiệu với lãnh đạo tỉnh một số sản phẩm gốm sứ tiêu biểu của doanh nghiệp, lãnh đạo Công ty Minh Long I cho biết, sản phẩm của Minh Long không chỉ khẳng định vị trí vững chắc tại thị trường trong nước mà đã vươn ra thị trường thế giới. Sản phẩm gốm của Minh Long đã chinh phục được các thị trường khó tính như Pháp, Đức, Ý, các nước Đông Âu… Có thể nói, gốm Minh Long không thua kém bất cứ sản phẩm gốm nào trên thế giới.
Toàn cảnh buổi làm việc với Công ty TNHH Minh Long I
Theo ông Lý Ngọc Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Minh Long I, sản xuất gốm sứ là ngành nghề rất khó khăn, cực khổ và tiềm ẩn nhiều rủi ro, muốn có kết quả tốt phải kiên trì bền bỉ. Tuy nhiên trong thách thức chính là cơ hội để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật cao trong sản xuất tạo ra các sản phẩm độc đáo, mới lạ, mang xu hướng thời đại đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi trao đổi với ông Lý Ngọc Minh
Đối với làng nghề sơn mài truyền thống, ông Thái Kim Điền - Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài, Điêu khắc tỉnh Bình Dương chia sẻ, làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp là một "đặc sản" của Bình Dương. Với hơn 100 năm giữ gìn và phát huy, nghệ nhân sơn mài Bình Dương đã không ngừng tìm tòi nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo được khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Các thể loại sơn mài như cẩn ốc, cẩn trứng, thiếp vàng vẽ nối, khắc trũng… của sơn mài Bình Dương đã làm rạng danh địa phương qua các sản phẩm như bàn ghế án gió, bàn phấn, tranh ảnh, bình soa, liễn đối trang trí nhà cửa, cơ quan, đình chùa, thờ cúng trang hoàng các buổi tiếp nguyên thủ quốc gia đến các sản phẩm ứng dụng như bình hoa, guốc lược…
Nghề truyền thống gặp khó
Những nghề truyền thống như gốm sứ, sơn mài đã ghi lại nhiều dấu ấn quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, trong vài chục năm trở lại đây, những nghề truyền thống này có xu hướng giảm và hiện nay doanh nghiệp gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế chung.
Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp gốm sứ, ông Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương cho biết, các doanh nghiệp gốm sứ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp gia đình nên mô hình quản lý còn theo kiểu truyền thống, chưa bắt kịp xu hướng, dễ chịu tác động bởi thị trường. Trong hai quý đầu năm 2023 các doanh nghiệp hầu như không có đơn hàng mà chỉ có một số đơn từ năm trước; quý III bắt đầu có đơn hàng nhưng số lượng chỉ bằng 50% cùng kỳ năm 2022, kéo theo số lượng lao động trong ngành gốm sứ giảm khoảng 30%, trong đó có nhiều lao động có tay nghề.
Theo đại diện Hiệp hội Gốm sứ tỉnh, việc di dời các doanh nghiệp gốm sứ vào khu, cụm công nghiệp theo chủ trương của tỉnh gặp khó khăn hơn nhiều so với các ngành nghề khác như thiếu thợ có tay nghề cao (do lao động lành nghề sinh sống, gắn bó lâu năm tại nơi sản xuất cũ), cùng với đó doanh nghiệp thiếu nguồn vốn để di dời, xây dựng nhà máy mới.
Ông Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương kiến nghị tại buổi làm việc
Ông Nguyễn Tiến Thành kiến nghị tỉnh xem xét xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp gốm sứ khi xây dựng bộ tiêu chí các doanh nghiệp phải di dời vào khu, cụm công nghiệp theo chủ trương của tỉnh; có ưu đãi cho ngành nghề gốm sứ về giá thuê đất cũng như tạo điều kiện về địa điểm sản xuất mới tạo thuận tiện cho hoạt động sản xuất (gần làng nghề, nguồn nguyên liệu, thuận lợi cho di chuyển) và đảm bảo ổn định số lượng thợ có tay nghề của doanh nghiệp.
Đối với nghề sơn mài truyền thống, đại diện Hiệp hội Sơn mài, Điêu khắc tỉnh cho rằng, cần thúc đẩy việc xây dựng khu bảo tồn làng nghề sơn mài truyền thống kết hợp với du lịch, trong đó du khách không chỉ được ngắm phong cảnh mà còn được thăm nơi sản xuất, thậm chí có thể tham gia vào một phần quá trình tạo ra sản phẩm, chính điều này sẽ tạo nên sức hấp dẫn riêng của làng nghề góp phần bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống đồng thời phát triển du lịch, tăng thu nhập của người dân địa phương.
Lãnh đạo tỉnh tham quan cơ sở sơn mài Định Hòa (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một)
Trong khi đó, ông Lê Bá Linh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài, Điêu khắc tỉnh, Giám đốc Công ty Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn cho rằng, cần sớm hoàn thành Đề án "Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một", trong đó xác định nên bảo tồn làng nghề hay bảo tồn nghề. Đồng thời lập ra Ban bảo tồn tập hợp nghệ nhân tham gia, vừa quảng bá, vừa bảo tồn, vừa tạo thêm nguồn quỹ cho Ban hoạt động. Việc xây dựng và phát triển làng nghề cần có sự đầu tư và triển khai phát triển theo hướng bền vững, trong đó bảo tồn, giữ gìn các kỹ thuật chi tiết trong sơn mài. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong làng nghề có chính sách hỗ trợ riêng, nhất là chính sách thuế, hỗ trợ các cửa hàng bán sản phẩm. Bên cạnh đó, việc phối hợp đào tạo giữa doanh nghiệp và các trường nghề cần được chú trọng hơn nữa, đảm bảo khả thi, phù hợp hơn và đáp ứng nhu cầu thực tế.
Hiệp hội Sơn mài, Điêu khắc tỉnh kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp
Trao đổi về Đề án "Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một", bà Nguyễn Thu Cúc - Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một cho biết, Đề án do UBND TP.Thủ Dầu Một phối hợp với các sở ngành xây dựng, tập trung các nội dung như xây dựng tổng thể làng nghề, quy hoạch và xây dựng khu sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp sơn mài để bảo đảm về vấn đề môi trường, xây dựng nơi trưng bày sản phẩm chung cho làng nghề; đồng thời kết hợp xây dựng các tour du lịch tham quan, giới thiệu sản phẩm của làng nghề đến du khách trong và ngoài nước. Tổng diện tích khu bảo tồn khoảng 5,4hecta. Đến nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thẩm định xong Đề án và đang trình UBND tỉnh phê duyệt.
Cần chính sách hỗ trợ phát triển nghề truyền thống
Sau khi khảo sát thực tế, nghe kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội và ý kiến của các sở ngành, địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đánh gia cao và bày tỏ khâm phục những ý tưởng độc đáo, sáng tạo thể hiện bằng các tác phẩm công phu hoành tráng của các nghệ nhân gốm sứ, sơn mài. Đồng thời chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp, cơ sở, cảm ơn sự kiên trì của các doanh nghiệp tiếp tục duy trì và bảo tồn các ngành nghề truyền thống của Bình Dương, đưa sản phẩm truyền thống của Bình Dương vươn xa không chỉ trong nước mà còn tỏa khắp các thị trường trên thế giới. Bí thư đề nghị Văn phòng Tỉnh ủy nghiêm túc tiếp thu tất cả các ý kiến, kiến nghị tại buổi làm việc; Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các ngành phối hợp nghiên cứu hệ thống luật, quy định để tham mưu chủ trương, chính sách đặc thù bảo tồn và phát huy các ngành nghề truyền thống. Trong đó có các chính sách hỗ trợ của tỉnh cho doanh nghiệp về đất đai, lao động, xúc tiến đầu tư, nguồn vốn. Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh dành nguồn vốn để cho vay lĩnh vực này. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Công Thương cùng bàn chính sách riêng, đặc thù để hỗ trợ các ngành nghề truyền thống về đất đai, vốn, xúc tiến thương mại và đầu tư… để duy trì các ngành nghề truyền thống.Đặc biệt cần tổ chức các buổi làm việc, thông tin với doanh nghiệp để tổ chức di dời doanh nghiệp vào khu, cụm công nghiệp một cách chặt chẽ, thân trọng.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các ngành rà soát, xây dựng chính sách cụ thể hỗ trợ phát triển các nghề truyền thống
Bên cạnh đó, Bí thư mong muốn phát triển các showroom, phòng trưng bày của doanh nghiệp trở thành "bảo tàng" sản phẩm truyền thống; đồng thời nghiên cứu ý tưởng đầu tư con đường gốm sứ, sơn mài góp phần giới thiệu quảng bá các công trình, tác phẩm nghề truyền thống của tỉnh.
Đối với Đề án "Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một", Bí thư đề nghị các sở ngành, TP.Thủ Dầu Một rà soát lại Đề án để đảm bảo đầu tư có hiệu quả, trong đó chú ý đến các nội dung chính sách phát triển nghề truyền thống, đảm bảo "vừa tập trung vừa phân tán", để chính những người làm nghề truyền thống vừa sản xuất, vừa bảo tồn và phát huy.
Bí thư cũng đề nghị chú trọng đưa các ngành nghề truyền thống vào trường học; kết hợp chặt chẽ giữa các cơ sở với các trường nghề trong công tác đào tạo. Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hoá Bình Dương tiếp tục quan tâm lưu giữ, phát triển các bộ môn này. Đồng thời tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm, giáo dục ngoại khóa tại các trường, doanh nghiệp để giáo dục truyền thống, lịch sử, hình thành nhận thức và lòng yêu thích các ngành nghề truyền thống đặc sắc của tỉnh.
Nguồn binhduong.gov.vn